Lịch sử The Mercury News

Lịch sử ban đầu

Tờ Mercury News bắt đầu với tên khác vào năm 1851 hoặc 1852.[ct 1] Cơ quan lập pháp California vừa đã di chuyển thủ phủ từ San Jose đến Vallejo, làm phá sản tờ Argus và tờ State Journal (Nhật báo Tiểu bang), hai nhật báo đầu tiên của San Jose. Một tập đoàn ba nhà kinh doanh do ông John C. Emerson dẫn đầu mua lại máy in của các tờ báo này để sáng lập tuần báo San Jose Weekly Visitor (Tuần báo Người đến thăm San Jose).[2] Tờ Weekly Visitor mới đầu theo đảng Whig nhưng đổi qua đảng Dân chủ sau đó không lâu. Nó đổi tên thành Santa Clara Register (Sổ Santa Clara) năm 1852. Năm sau, ông F. B. Murdoch tiếp quản tờ báo và sáp nhập nó vào tờ San Jose Telegraph (Thư từ xa San Jose).[9][13][14] Ông W. A. Slocum tiếp quản tờ Telegraph năm 1860 và sáp nhập nó với tờ San Jose Mercury hoặc Weekly Mercury thành tờ Telegraph and Mercury. Sau đó, ông William N. Slocum xóa từ Telegraph khỏi tên.[15][16] Vào lúc đó, tờ Mercury là một trong hai tờ báo xuất bản tại San Jose.[9]

Thời Owen sở hữu

Bưu thiếp có hình vẽ tháp đèn điện tử San Jose

Ông James Jerome Owen, cựu hạ nghị sĩ Tiểu bang New York đến California kiếm vàng, trở thành chủ báo Mercury vào mùa xuân năm 1861, sau đó giành đủ cổ phần để quản lý tờ báo cùng với ông Benjamin H. Cottle.[9][17][18] Tờ ra số hàng ngày dưới tên San Jose Daily Mercury cho ba tháng vào mùa thu năm 1861, rồi từ tháng 8 năm 1869 đến tháng 4 năm 1870 sau khi ông J. J. Conmy tham gia làm hội viên,[18][19] và lần nữa từ ngày 11 tháng 3 năm 1872, sau khi mua tờ Daily Guide (Cẩm nang Hàng ngày).[17] Năm 1878, Owen sáng lập Công ty Ấn hành Mercury (Mercury Printing and Publishing Company).[20]

Năm 1881, ông Owen đề nghị dựng lên tháp đèn ban đêm (moonlight tower) để chiếu sáng cả thành phố San Jose. Tháp đèn điện tử San Jose được khánh thành cùng năm. Tờ Mercury khoe rằng San Jose là thành phố đầu tiên có đèn điện tử về phía tây của dãy núi Rocky.[21]

Tờ Mercury sáp nhập với Công ty Xuất bản Times năm 1884.[22][23] Vào một thời gian ngắn, các tờ Daily Morning Times và Daily Mercury trở thành Times-Mercury, trong khi các tờ Weekly Times và Weekly Mercury trở thành Times-Weekly Mercury.[24] Năm 1885, cả hai tờ báo đổi tên lại thành San Jose Mercury.[25] Cùng năm đó, ông Owen bán cổ phần tờ báo và bỏ đi San Francisco.[17]

Trang đầu số Mercury and Herald buổi chiều ngày 19 tháng 4 năm 1906 miêu tả tình trạng "tiêu diệt" sau trận động đất tại San Francisco, kể sự phá hủy của các nhà in của tờ Examiner và tờ Call.

Thời anh em nhà Hayes sở hữu

Cuối năm 1900, ông Everis A. Hayes và em Jay mua tờ Mercury. Sau đó, vào tháng 8 năm 1901, hai anh em cũng mua nhật báo buổi chiều San Jose Daily Herald và sáng lập Công ty Mercury Herald.[26] Năm 1913, hai tờ báo được hợp nhất thành một nhật báo buổi sang, San Jose Mercury Herald.[27]

Năm 1942, Công ty Mercury Herald mua tờ San Jose News (thành lập năm 1851) nhưng tiếp tục xuất bản cả hai nhật báo, Mercury Herald buổi sáng và tờ News buổi chiều, và số chủ nhật hợp nhất với tên Mercury Herald News.[27] Tên Herald bị xóa vào năm 1950.[28]

Thời Ridder sở hữu

Công ty Northwest Publications của Herman Ridder (về sau là Ridder Publications) mua lại các tờ Mercury và News năm 1952.[29] Vào giữa thế kỷ 20, các tờ báo có khuynh hướng bảo thủ và ủng hộ mở mang. Chủ báo Joe Ridder khen ngợi chương trình phát triển của Quản đốc thành phố San Jose A. P. Hamann, chương trình này chú trọng vào sự bành trướng đô thị (urban sprawl) trong biên giới thành phố càng mở rộng. Ông Ridder biết rằng dân số càng tăng lên thì càng nhiều người mua tờ báo và càng nhiều tiệm quảng cáo trong tờ báo. Tờ báo ủng hộ một loạt trái phiếu nợ chung (general obligation bond) có giá 134 triệu Mỹ kim (bằng 690 triệu Mỹ kim vào năm 2018), phần lớn được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng vì lợi ích của các nhà phát triển bất động sản. Nó cũng ủng hộ sửa đổi hiến chương thành phố để tổ chức cuộc bầu cử thị trưởng trực tiếp và bãi bỏ các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho quản đốc.[30] Tính đến năm 1967, tờ Mercury đã lên hạng sáu nhật báo buổi sáng trong nước Mỹ theo số lượng lưu hành, nhờ mở mang ra ngoại ô không bị kiềm chế, trong khi tờ News in nhiều quảng cáo hơn mọi nhật báo buổi chiều trong nước.[7]

Trụ sở Mercury News từ 1967 đến 2014 hiện là trụ sở của hãng phần cứng máy tính Supermicro.

Tháng 2 năm 1967, các tờ Mercury và News bỏ trụ sở chật hẹp (ngày xưa là tiệm tạp hóa) tại trung tâm San Jose và khánh thành trụ sở mới có diện tích 15 hécta (37 mẫu Anh) ở vùng ngoại ô Bắc San Jose. Tòa nhà chính có diện tích 17.200 mét vuông (185.000 sq ft) và chứa đủ máy in để phục vụ dân số bùng nổ. Khu tòa nhà này có giá 1 triệu Mỹ kim (bằng 5,63 triệu Mỹ kim vào năm 2018) và được coi là nhà máy in báo một tầng lớn nhất trên thế giới. Các nhà lãnh đạo thành phố chỉ trích việc di chuyển này là tượng trưng cho sự sa sút đô thị (urban decay) tại trung tâm San Jose.[4][31][32]

Thời Knight Ridder sở hữu

Năm 1974, hãng Ridder sáp nhập với hãng Knight Newspapers thành Knight Ridder. Ông Joe Ridder bị bắt phải về hưu vào năm 1977. Cháu của ông, P. Anthony "Tony" Ridder, kế tiếp ông làm chủ báo. Ông Tony Ridder chú trọng tăng lên chất lượng của bài tin tức để phản ánh tiếng tăm điều tra nghiên cứu của Knight.[7]

Trong thời Knight Ridder sở hữu, các tờ báo có quan điểm ôn hòa hơn, chúng không còn ủng hộ mở mang và chống công đoàn mạnh mẽ như trước, và các bài báo về vấn đề địa phương từ từ cân bằng hơn. Ban xã luận chỉ diễn đạt phản đối nhỏ đối với đề luật năm 1978 bãi bỏ các bầu cử toàn thành phố (at large) cho hội đồng thành phố, kiểu bầu cử này được coi là có ích cho các nhà phát triển bất động sản giàu có, và thay thế bằng khu bầu cử hội đồng thành phố.[10] Tờ báo cũng ủng hộ việc Khu học chánh thống nhất San Jose kết thúc phân chia chủng tộc và vào năm 1978 phản đối Đề luật 13. Vào những năm 1980, ông Ridder và Quỹ Knight hỗ trợ chương trình của Thị trưởng Tom McEnery để tái phát triển trung tâm thành phố, bao gồm xây dựng sân vận động khúc côn cầu San Jose Arena và viện bảo tàng kỹ thuật The Tech Museum of Innovation.[7][33]

Biểu trưng San Jose Mercury News từ 1983 đến 2016

Năm 1983, tờ Mercury và tờ News trở thành các số biểu sáng và buổi chiều của tờ San Jose Mercury News.[34] Ông Jay T. Harris trở thành biên tập viên vào năm 1994. Số buổi chiều đình bản năm sau, sau đó chỉ có số buổi sáng.[7]

Những năm 1980 và 1990, các số chủ nhật của Mercury News bao gồm tạp chí phụ trương West.

Thời sự của dân tộc thiểu số

Những năm 1990, tờ Mercury News được công nhận toàn quốc vì nỗ lực viết thêm bài về các dân tộc thiểu số địa phương,[35] và nó mướn phóng viên gốc Việt lần đầu tiên.[7] Năm 1994, nó mở văn phòng tại Hà Nội, đây là văn phòng đầu tiên của nhật báo Mỹ tại Việt Nam sau Chiến tranh Việt Nam. (Chỉ có thông tấn xã Associated Press và các nhật báo Mercury News và Los Angeles Times mở văn phòng tại Việt Nam.)[36][37][38][39] Phóng viên trở về Mỹ từ Hà Nội để tổ chức buổi họp mặt town hall hàng năm với cộng đồng gốc Việt tại San Jose. Ban đầu cộng đồng biểu tình cho rằng tờ báo dính líu với chính quyền Cộng sản tại Việt Nam bằng cách mở văn phòng này.[40]

Biểu trưng Việt Mercury từ 1999 đến 2005

Tờ Mercury News khởi đầu tuần báo miễn phí tiếng Tây Ban Nha Nuevo Mundo (Tân Thế giới) vào năm 1996[41] và tuần báo miễn phí tiếng Việt Việt Mercury vào năm 1999.[42] Việt Mercury là tờ báo tiếng Việt đầu tiên được xuất bản bởi nhật báo tiếng Anh.[37] Nó cạnh tranh với một "làng báo" có 14 tờ báo cộng đồng người gốc Việt làm chủ, bao gồm bốn nhật báo.[43]

Phát triển bên cạnh ngành điện tử

Tờ Mercury News được lợi vì là nhật báo lớn duy nhất trong Thung lũng Điện tử vào thời bong bóng dot-com. Các bài tin tức về ngành điện tử và tin học của thung lũng thu hút độc giả từ khắp thế giới và dẫn đầu ngành báo chí kinh doanh. Tạp chí Time gọi Mercury News là tờ báo giỏi nhất cả nước về kỹ thuật.[7] Sự phát triển của ngành tin học làm cho càng ngày phần rao vặt của tờ báo càng dày hơn, nhất là các mục tuyển dụng "cần người". Tờ Mercury News là một trong những tờ báo hạng nhất trong nước về số lượng quảng cáo trong thời gian 20 năm.[44]

Tờ Mercury News là một trong những nhật báo Mỹ đầu tiên có dịch vụ trực tuyến và là nhật báo đầu tiên cung cấp bài báo đầy đủ và tin nóng trực tuyến. Nó sáng lập dịch vụ Mercury Center trên America Online vào năm 1993 và trang Web tin tức đầu tiên của nước Mỹ vào năm 1995 (xem § Trực tuyến). Dịch vụ Mercury Center trên AOL đóng cửa vào tháng 7 năm 1996, nhưng trang Web vẫn còn lại.[44][45][46]

Công ty mẹ của tờ Mercury News đóng tại Tòa nhà Knight-Ridder ở trung tâm thành phố San Jose từ 1998 đến 2006.

Vào đỉnh cao vào cuối thập niên 1990, tờ Mercury News có 400 nhân viên trong phòng báo, 15 văn phòng, doanh thu hàng năm tới 288 triệu Mỹ kim, và tỷ lệ lãi ròng hơn 30%. Năm 1998, Knight Ridder di chuyển trụ sở từ Miami đến Tòa nhà Knight-Ridder tại San Jose, điều này được coi là công nhận vai trò quan trọng của tin tức trực tuyến trong tương lai của công ty. Mercury Center hủy bỏ bức tường phí (paywall) vào tháng 5 năm 1998, sau khi đạt đến 1,2 triệu người khác nhau thăm trang hàng tháng vào năm trước. Tính đến năm 2000, tờ báo có số lượng lưu hành chủ nhật tới 327.000 số và doanh thu hàng năm tới 341 triệu Mỹ kim, trong số đó 118 triệu Mỹ kim là do mục tuyển dụng.[44] Năm 2001, số lượng lưu hành lên tới 289.413 số hàng ngày và 332.669 vào chủ nhật.[7]

Thời phong phú kết thúc

Sự sụp đổ của bong bóng dot-com hư hại phần rao vặt từng trợ cấp các hoạt động của tờ báo. Hơn nữa, các tờ báo khắp nước bắt đầu phải cạnh tranh cho mục tuyển dụng với các trang như Monster.com, CareerBuilder, và Craigslist. Knight Ridder thực hiện vào lượt sa thải tại các tờ báo của công ty, gây ông Harris từ chức chủ báo vào năm 2001.[7][44]

Việc cắt giảm chi phí bắt đầu có ảnh hướng đến các chương trình đặc biệt mà tờ báo bắt đầu vào những năm 1990. Tháng 6 năm 2005, tờ báo đóng cửa văn phòng Hà Nội.[39] Ngày 21 tháng 10, nó cũng tuyên bố đình bản tờ Nuevo Mundo và bán tờ Việt Mercury cho một tập đoàn nhà kinh doanh người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên, cuộc đàm phán bị thất bại và tờ Việt Mercury xuất bản số cuối cùng vào ngày 11 tháng 11 năm 2005.[47][48] Tờ Nuevo Mundo được thay thế trên thực tế bằng tờ Fronteras de la Noticia, tờ này chỉ có nội dung trích dẫn từ tờ Contra Costa Times của Knight Ridder do một hãng thuê ngoài Mễ dịch ra tiếng Tây Ban Nha.[35]

Tính đến tháng 3 năm 2006, tỷ lệ lãi ròng của tờ Mercury News đã giảm xuống thành 9%, doanh thu hàng năm đã giảm xuống thành 235 triệu Mỹ kim, trong số đó 18 triệu là do mục tuyển dụng, và lãi ròng là 22 triệu Mỹ kim.[7]

Thời Digital First sở hữu

Biểu trưng "The Mercury News" màu xanh được dán vào các máy bán tờ San Jose Mercury News.

Ngày 13 tháng 3 năm 2006, Công ty McClatchy mua Knight Ridder với giá 4,5 tỷ Mỹ kim. McClatchy ngạc nhiên bán ngay Mercury News và 11 tờ báo khác.[49][50] Có tin đồn rằng việc bán lại Mercury News là do công đoàn mạnh mẽ tại tờ báo.[7] Ngày 26 tháng 4, Tập đoàn MediaNews của Denver (nay là Digital First Media) tuyên bố mua Mercury News, hai tờ báo California khác, và tờ St. Paul Pioneer Press, với giá 1 tỷ Mỹ kim, và ba tờ báo California sẽ được quản lý bởi Hội chung vốn Tờ báo California (California Newspapers Partnership, CNP).[44][51] Tuy nhiên, ngày 12 tháng 6 năm 2006, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trì hoãn quá trình mua báo để xem lại có vấn đề độc quyền vì MediaNews sở hữu nhiều tờ báo trong vùng.[52]

Chính quyền tán thành và MediaNews tuyên bố mua các tờ báo ngày 2 tháng 8 năm 2006; tuy nhiên có vụ kiện tháng 7 năm 2006 cho rằng MediaNews và Hearst Corporation đã vi phạm luật chống độc quyền.[52] Vụ kiện này nhằm mục đích hoàn tác vụ mua cả tờ Mercury News và tờ Contra Costa Times. Ngày 25 tháng 4, chỉ vài ngày trước khi tòa án dự định nghe vụ kiện, các bên giải quyết vụ kiện và MediaNews được phép giữ các tờ báo đã mua.[53] Tờ Mercury News và tờ Contra Costa Times được quản lý bởi công ty con địa phương của CNP, Tập đoàn Tin tức Vùng Vịnh (Bay Area News Group, BANG). Đồng thời, các tờ Mercury News tiếp tục thả thêm nhân viên. Vào khoảng tháng 12 năm 2016, 101 nhân viên bị thả, bao gồm 40 nhân viên trong phòng báo.[44]

Năm 2013, Tập đoàn MediaNews và 21st Century Media sáp nhập thành Digital First Media.[54] Tháng 6 năm 2014, các hoạt động ấn hành tờ Mercury News và các nhật báo khác di chuyển đến các nhà máy BANG tại ConcordHayward. Tháng 9 năm đó, tờ Mercury News bỏ trụ sở lớn tại Bắc San Jose và trở lại trung tâm thành phố San Jose.[32] Theo nhà xuất bản, nhà máy quá lớn trong khi hoạt động tờ báo càng thu nhỏ sau khi các hoạt động ấn hành rời khỏi San Jose và số nhân viên giảm xuống.[31]

Ngày 5 tháng 4 năm 2016, BANG hợp nhất tờ San Mateo County Times và 14 tờ báo khác thành San Jose Mercury News. Tên tờ báo được rút ngắn thành The Mercury News.[7][55][56][57]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: The Mercury News http://auditedmedia.com/news/blog/top-25-us-newspa... http://bayosphere.com/2009/10/26/welcome-to-my-old... http://www.berkeleydailyplanet.com/issue/2005-10-2... http://www.digitalfirstmedia.com/medianews-group-2... http://www.eppyawards.com/Content/Winners-.aspx http://www.ktvu.com/news/oakland-tribune-san-jose-... http://articles.latimes.com/1994-01-17/news/mn-126... http://mediactive.com/7-10-information-safety/ http://mediactive.com/book/ http://www.medianewsgroup.com/companynews/2006/McC...